\
Nhân viên quản lý VIC taxi giám sát hoạt động từ dữ liệu Giám sát hành trình. Ảnh: Chiến Công
Tại Điều 65 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ.
Chưa được như kỳ vọng
Lâu nay, các xe ô tô kinh doanh vận tải bắt buộc phải lắp đặt GPS và thực hiện truyền những dữ liệu như hành trình, tốc độ, thời gian lái xe liên tục... về máy chủ do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý. Đây là một quy định đúng đắn và đã góp phần tăng cường hiệu quả quản lý, xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải bằng ô tô trên cả nước. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh sự ưu việt, GPS vẫn còn khá nhiều hạn chế, nhưng chủ yếu do chúng ta chưa biết cách khai thác triệt để thiết bị này.
Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga nhìn nhận: “GPS vẫn đang được sử dụng một cách rất bị động. Thuần túy là một công cụ ghi nhận dữ liệu để đối chiếu, hậu kiểm mà chưa phát huy tác dụng trong khâu ngăn ngừa vi phạm luật giao thông, chưa giúp giảm thiểu được những rủi ro về ATGT”. Trong tất cả các vụ TNGT, GPS chỉ giữ vai trò là một “ổ” lưu dữ liệu về tốc độ vận hành của xe chứ chưa gửi được cảnh báo, khi xe vượt tốc độ cho phép, đến cơ quan chức năng, nhằm góp phần ngăn chặn TNGT.
Đơn cử như vụ TNGT thảm khốc xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ngày 30/7 vừa qua. Do tài xế làm việc quá thời gian quy định (lái xe tối đa 4 giờ liên tục), ngủ gật trên vô lăng khiến 13 người tử vong. Nếu thông tin về việc lái xe quá số giờ quy định được phát hiện và cảnh báo sớm, có lẽ đã không để lại hậu quả thảm khốc như vậy. Ông Đặng Chí Nga nhận định: “Đây chính là bất cập trong quản lý dữ liệu GPS. Lái xe quá số giờ quy định cần phải được cảnh báo về DN, đơn vị quản lý, yêu cầu dừng hoạt động ngay lập tức. Để xảy ra rủi ro thảm khốc rồi đến cuối tháng mới thông báo về Sở GTVT địa phương thì chẳng còn ý nghĩa gì nữa”.
Mặt khác, việc quản lý GPS cũng chưa chặt chẽ, hiệu quả. Mỗi tháng vẫn có hàng nghìn phương tiện bị bêu tên vì không truyền dữ liệu GPS. Anh Trần Tuấn Chỉnh - lái xe bộc bạch: “Khi chạy quá tốc độ, GPS báo tiếng bíp liên hồi nên nhiều lái xe bực mình tháo luôn nguồn điện cho thiết bị “ngủ”, vừa đỡ áp lực, vừa tránh bị cơ quan chức năng xử phạt”.
Ông Nga phân tích, ngay cả thiết bị GPS như hiện nay chúng ta còn chưa khai thác hết được các tính năng hữu dụng, chưa quản lý được việc chấp hành quy định truyền dữ liệu. “Vậy việc thay thế một thiết bị GPS mới, có tích hợp thêm tính năng cũng sẽ khó cho kết quả quản lý phương tiện kinh doanh vận tải tốt hơn. Mặt khác còn có thể gây thêm tổn phí, bức xúc cho DN”.
Câu chuyện quản lý
Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho rằng, việc tích hợp thêm tính năng ghi lại hình ảnh lái xe vào GPS là khó thực hiện về mặt kỹ thuật và chắc chắn sẽ gây thêm tổn phí. “Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là phải tìm ra phương thức sử dụng hữu hiệu GPS. Bên cạnh đó, một số loại hình như xe khách, xe buýt cũng có thể trang bị thêm camera riêng trong xe để giám sát chất lượng dịch vụ”.
Nhiều chuyên gia quan tâm đến một vấn đề mà dư luận đã nhiều lần nhắc tới, đó là: Cơ quan quản lý GPS. Hiện nay, dữ liệu từ GPS trên khắp cả nước vẫn phải truyền về Tổng cục Đường bộ Việt Nam và do đơn vị này hậu kiểm, sau đó gửi thông tin về địa phương để xử lý các xe vi phạm. Ông Nga cho rằng: “Điều này mới là bất cập cần phải xem xét, sửa đổi trong Dự thảo Nghị định mới”.
Những lo lắng này không phải không có cơ sở. Đại diện Sở GTVT Hà Nội chia sẻ, có nhiều trường hợp, lái xe, chủ xe tự ý ngưng hoạt động của GPS hoặc thiết bị gặp sự cố. Thế nhưng, Sở không thể biết thông tin ngay để kiểm tra, vẫn phải chờ thông báo hàng tháng của Tổng cục Đường bộ; đôi khi nhận được tin thì thiết bị đã hoạt động trở lại rồi. Một số trường hợp, chủ xe còn một mực không thừa nhận GPS ngừng hoạt động mà cho rằng đường truyền, máy móc của Tổng cục Đường bộ có vấn đề, gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm cũng như hoạt động của DN.
Theo các chuyên gia, trước khi quyết định thay thế thiết bị, tăng thêm các tính năng phức tạp hơn, Bộ GTVT cần xem lại việc phân cấp, quy định đúng người, đúng việc trong quản lý GPS nhằm phát huy tối đa hiệu quả của công cụ này.
Theo chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga: GPS là công cụ quản trị của DN, và cơ quan quản lý phải là Sở GTVT. Việc Tổng cục Đường bộ quản lý hàng triệu phương tiện trong cả nước không có tác dụng nhắc nhở, giám sát, răn đe; hạn chế tác dụng của GPS. Thậm chí còn có thể dẫn đến tình trạng lạm quyền.
Đặng Sơn