Đề xuất trừ điểm vào GPLX tài xế vi phạm liệu có mang lại hiệu quả. Ảnh: Nguyễn Quý
Cục CSGT vừa gây bất ngờ khi cho biết đang nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, trong đó có nội dung áp dụng việc trừ điểm vào bằng lái xe của tài xế vi phạm giao thông.
Có hạn chế được tiêu cực?
Lý giải về đề xuất này, đại diện Cục CSGT cho rằng, trong các khung xử phạt hành chính với lái xe vi phạm giao thông đang áp dụng ở Việt Nam có một số trường hợp đối với lỗi vi phạm nhẹ, tài xế chỉ bị phạt tiền và nhận lại bằng lái. Chính tình trạng “phạt cho tồn tại” này dẫn tới lái xe “nhờn luật” và tiếp tục vi phạm trong những lần sau. Do đó, đề xuất áp dụng việc trừ điểm vào giấy phép lái xe (GPLX) mỗi khi tài xế vi phạm sẽ đảm bảo tính răn đe, giúp người dân nâng cao ý thức khi đi tham gia giao thông và hạn chế được tiêu cực.
Theo đại diện Cục CSGT, cách làm trên đã và đang được áp dụng tại Trung Quốc và phát huy hiệu quả tốt. Cụ thể, tại quốc gia láng giềng, người tham gia giao thông nếu mắc lỗi vi phạm nồng độ cồn sẽ bị trừ 6/12 điểm và nhận được lời cảnh cáo từ cơ quan chức năng.
Trong trường hợp tiếp tục vi phạm và bị trừ hết điểm, tài xế sẽ phải thi lại GPLX. Để áp dụng được quy định trừ điểm vào bằng lái đối với tài xế vi phạm, Cục CSGT cho biết, ngoài việc sửa Luật Giao thông đường bộ và các văn bản liên quan, cần thiết phải đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu về GPLX trên cả nước. Khi đã làm được điều này, lực lượng chức năng chỉ cần tra tên tài xế rồi trừ điểm vào bằng lái xe của tài xế vi phạm đó trên hệ thống.
Nhận định về đề xuất nêu trên, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam bày tỏ quan điểm không đồng tình. Theo ông Thanh, chưa cần bàn đến tính khả thi của đề xuất này, điều đầu tiên có thể dễ dàng nhận ra là khi đưa ra một quy định mới sẽ phát sinh nhiều thủ tục giấy tờ phức tạp. “Đây không phải lần đầu tiên Cục CSGT đưa ra đề xuất này. Họ đã nhiều lần đề xuất rồi nhưng lần nào cũng bị dư luận xã hội phản ứng và sau đó Chính phủ đã không thông qua” - ông Thanh nói.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định, muốn tăng cường hiệu quả trong công tác xử phạt vi phạm giao thông và nâng cao ý thức lái xe, cách tốt nhất là phải thực hiện thật nghiêm túc công tác xử phạt. Còn việc “đẻ” ra quy định mới chỉ càng làm cho tình hình thêm phức tạp, lằng nhằng.
Đi vào vòng luẩn quẩn
Trả lời phóng viên Kinh tế & Đô thị, luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, đề xuất của Cục CSGT chỉ là cái vòng luẩn quẩn bởi trên thực tế, trước đây đã từng có quy định tương tự được áp dụng nhưng sau đó bị bãi bỏ vì nảy sinh nhiều bất cập.
Theo luật sư Bùi Đình Ứng, năm 2003, cơ quan chức năng đã từng cho triển khai biện pháp đánh dấu số lần vi phạm của lái xe bằng cách bấm lỗ trên GPLX. Nếu bằng lái bị bấm 2 lần thì phải thi lại Luật Giao thông đường bộ khi đổi GPLX, bị bấm 3 lần thì hết giá trị sử dụng, tài xế phải thi lại cả lý thuyết lẫn thực hành để được cấp mới. Tuy nhiên, về sau việc này được cho là không thể hiện được thời điểm vi phạm, bằng lái lem nhem, phản cảm, chưa kể nảy sinh tiêu cực. Đến năm 2007, Nghị định 146 được ban hành, quy định này được bãi bỏ.
“Bây giờ Cục CSGT đề xuất trừ điểm vào GPLX của tài xế vi phạm, về mặt bản chất không khác với quy định bấm lỗ trên bằng lái trước kia. Vấn đề ở đây là họ đang rơi vào cái vòng luẩn quẩn do chính mình tạo ra” - luật sư Ứng nói.
Phân tích về tính khả thi của đề xuất của Cục CSGT, luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng sẽ dẫn tới hai trường hợp và cả hai đều có bất cập. Thứ nhất, chỉ trừ điểm vào bằng lái mà không phạt tiền. Với trường hợp này, hình thức áp dụng không những không đủ sức răn đe mà còn khiến Nhà nước mất đi một khoản thu lớn từ số tiền xử phạt vi phạm giao thông.
Thứ hai, nếu vừa trừ điểm vào bằng lái, vừa phạt tiền sẽ dẫn tới việc phải sửa đổi rất nhiều văn bản pháp luật mới thực hiện được. “Vừa trừ điểm vừa phạt tiền tức là một lỗi vi phạm sẽ áp dụng hai hình thức xử phạt. Điều này không chỉ khiến chúng ta phải sửa Luật Giao thông đường bộ mà còn phải sửa đổi cả Luật Hành chính, bởi vì trong Luật Hành chính hiện nay không có quy định về việc trừ điểm GPLX. Khi đó đương nhiên sẽ phát sinh nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp” - luật sư Ứng phân tích.
Theo giới chuyên gia, cách tốt nhất để hạn chế vi phạm giao thông, nâng cao ý thức lái xe là tăng cường chế tài xử phạt thật nặng và lực lượng chức năng thực hiện thật nghiêm là được. Đó là cách làm mà nhiều nước phát triển trên thế giới vẫn đang áp dụng. “Cách làm của họ rất đơn giản, xe nào vi phạm họ đưa ra mức phạt rất nặng. Và trong một thời gian nhất định, nếu lái xe không chịu nộp phạt, số tiền phạt đó sẽ được tính lãi cho đến một cái hạn nào đó mà lái xe vẫn không chịu nộp phạt sẽ bị xử lý hình sự” - luật sư Ứng nói.
Quý Nguyễn