Khoản 3, Điều 5, Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông quy định, phạt tiền từ 600 - 800 ngàn đồng với người điều khiển xe có hành vi bấm còi liên tục, bấm còi hơi trong khu đông dân cư (trừ xe ưu tiên). Thậm chí, người điều khiển phương tiện lắp đặt còi hơi vượt quá âm lượng cho phép sẽ bị phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng, tước Giấy phép lái xe từ 1 – 3 tháng...
Những cái chết thương tâm
Pháp luật đã có những quy định về sử dụng còi hơi. Thế nhưng do tài xế thiếu ý thức mà danh sách những vụ TNGT thương tâm có nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp từ tiếng còi xe ngày một dài thêm.
Vụ TNGT xảy ra trên địa bàn phường Kim Tân (TP Lào Cai) hôm 15/8 vừa qua là một ví dụ điển hình. Theo một số nhân chứng, tại thời điểm xảy ra tai nạn, xe tải BKS 19C-046.78 chạy đường Lào Cai - Sa Pa, hướng Kim Tân đi Lào Cai, đến ngã 3 đường chéo đi Sa Pa, tài xế thấy đông người nên bấm còi xin đường. Tuy nhiên, tiếng còi xe lớn khiến bà N.T.T. (SN 1958, trú phường Kim Tân) đang đi xe đạp giật mình ngã ra đường. Cùng lúc đó, xe tải đi tới cán qua người khiến bà T. tử vong tại chỗ.
Trước đó, ngày 20/4/2017, tại nút giao thông Tân Vạn (đoạn giáp ranh giữa thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương và quận 9, TP Hồ Chí Minh) cũng xảy ra vụ tai nạn giữa xe ben và xe máy khiến một người phụ nữ khoảng 40 tuổi tử vong do tiếng còi xe quá lớn. Hay như vào tháng 8/2016, trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Hòa Phú, huyện Chư Pah, Gia Lai xảy ra một vụ TNGT khiến 1 người tử vong tại chỗ mà nguyên nhân cũng do tiếng còi quá lớn từ xe tải gây ra.
Thiếu công cụ, khó xử lý
Trao đổi xung quanh vấn đề này, lãnh đạo một số Đội CSGT trên địa bàn TP chia sẻ, mặc dù Nghị định 46/2016/NĐ-CP đã có quy định xử phạt hành chính đối với hành vi lạm dụng, lắp đặt, sử dụng còi hơi có âm lượng vượt ngưỡng cho phép, song việc xử lý các hành vi này gặp không ít khó khăn. Theo thiếu tá Nguyễn Tuấn Anh – Phó đội trưởng Đội CSGT số 4, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, đối với hành vi này, để xử phạt được người vi phạm, các lực lượng chức năng phải xác định được âm lượng của còi.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc trang bị các thiết bị cần thiết để xử lý hành vi này cho lực lượng CSGT còn rất hạn chế, khiến việc kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn. Ở góc độ quản lý phương tiện, nhiều chuyên gia cho rằng, việc kiểm tra, xử lý trên đường đã khó, kiểm tra, xử lý tại các trung tâm đăng kiểm cũng khó không kém. Bởi khi tới hạn đăng kiểm, các chủ xe sẽ tháo toàn bộ các thiết bị đã thay thế, độ, lắp đặt sai quy định và khi đăng kiểm xong thì lắp lại. Do vậy, để khắc phục tình trạng này, hiện nay, các lực lượng chức năng mới chỉ tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, nhận thức của người tham gia giao thông.
Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, các cơ quan chức năng cần truyền thông nhiều về vấn đề này, để tài xế khi tham gia giao thông thấy rằng, việc sử dụng còi hơi là coi thường tính mạng người khác. Nhiều ý kiến thẳng thắn cho rằng, trước tính chất nguy hiểm của việc sử dụng còi không đúng kỹ thuật, nên tăng mức phạt nặng, nhằm hạn chế tối đa những vụ tai nạn thương tâm có thể xảy ra trực tiếp và gián tiếp do tiếng còi xe.
Công Trình