Hầu hết các đại biểu đều thống nhất quan điểm: Luật GTĐB 2008 hiện đã bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập, không còn phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên, để luật sửa đổi đạt được những mục tiêu đúng như kỳ vọng cần có nhiều điểm phải điều chỉnh.
Xe Limousine hoạt động trên đường Nguyễn Chánh, quận Cầu Giấy. Ảnh: Công Hùng
Nhiều quy định không còn phù hợp
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhận định, Luật GTĐB 2008 ra đời trong bối cảnh tình hình tai nạn giao thông (TNGT) ở nước ta đang diễn biến phức tạp theo chiều hướng gia tăng. Chính vì thế, việc xây dựng luật vào thời điểm đó được định hướng tập trung vào công tác siết chặt kỷ cương, góp phần chấn chỉnh trật tự giao thông nhằm hạn chế tối đa nguy cơ TNGT, kéo giảm các vụ TNGT xuống mức thấp nhất.
Sau 10 năm triển khai, Luật GTĐB 2008 đã mang tới nhiều thành quả nhất định. Đặc biệt là sự ra đời của luật đã tạo ra một hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông đường bộ nói riêng và GTVT nói chung ở nước ta. Điều dễ nhận thấy nhất là, sau khi Luật GTĐB 2008 ra đời đã từng bước giúp hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên cả nước. Cùng với sự đi lên của ý thức chấp hành pháp luật của người dân, nền kinh tế đất nước có thêm tiền đề và chất xúc tác để phát triển. Từ đó tạo ra hành lang thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào các hoạt động GTVT chung trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Phòng, hiện nay Luật GTĐB đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. “Luật GTĐB là một trong số những bộ luật có nhiều hướng dẫn thi hành nhất Việt Nam, trong nhiều trường hợp Bộ GTVT vẫn phải ban hành các chính sách thí điểm để có thể đáp ứng được với tình hình thực tiễn trong thời gian qua”, ông Phòng nói.
Phó Chủ tịch VCCI cũng chỉ ra, chính việc thiếu đồng bộ của các quy định đường bộ cũng như nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn đã dẫn đến việc nhiều mục tiêu về ATGT, trong đó có chỉ số về số người tử vong do TNGT ở nước ta vẫn còn ở mức cao so với thế giới. "Với hiện trạng hiện nay, Luật GTĐB 2008 đã trở thành cái áo quá chật cho sự phát triển của đất nước. Vì thế, rất cần thiết phải sửa đổi Luật GTĐB với những quy định mới phù hợp" - ông Phòng nhấn mạnh.
Cần phân biệt xe cá nhân với kinh doanh vận tải
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) Trịnh Thị Hằng Nga – cho biết, Dự án sửa đổi Luật GTĐB sẽ tập trung vào 7 nhóm vấn đề chính. Trong đó có những vấn đề cấp thiết, và một trong những nhóm vấn đề dự kiến sửa đổi nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu, đó là việc xem xét việc quy định màu biển số xe để phân biệt xe kinh doanh vận tải và xe không kinh doanh vận tải.
Theo bà Nga, trong thời gian qua, việc sử dụng phương tiện cá nhân vào kinh doanh vận tải ở nước ta đang ngày càng phổ biến. Điều này gây ra tình trạng lộn xộn trong hoạt động vận tải, tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh vận tải. Bà Nga cho rằng, việc có một quy định để phân biệt giữa phương tiện kinh doanh vận tải và phương tiện cá nhân là yêu cầu bức thiết hiện nay. Quy định này không những đảm bảo quyền lợi của người dân khi sử dụng các dịch vụ vận tải mà còn tạo ra môi trường kinh doanh vận tải lành mạnh, minh bạch, công bằng.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh đánh giá, quy định màu biến số xe để phân biệt xe kinh doanh vận tải với xe cá nhân sẽ giúp các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như người dân sử dụng dịch vụ vận tải dễ dàng nhận diện, phân biệt đâu là hãng kinh doanh vận tải thực sự, đâu là “hàng nhái”. Không những thế, quy định này còn góp phần giải quyết xung đột giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ vốn đang ngày càng gay gắt, quyết liệt trong thời gian gần đây. “Phân biệt rõ màu biển số xe để "người trần mắt thịt" cũng biết được ông nào kinh doanh. Như thế cùng cạnh tranh bình đẳng, ông nào yếu kém thì phải rời bỏ thị trường một cách tâm phục khẩu phục” - ông Thanh nói.
Quý Nguyễn