Tin từ Ban tổ chức

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có gì đặc biệt?

Cập nhật 11:24 | 03/09/2018
Kinhtedothi - Được đánh giá là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên và hiện đại nhất từ trước tới nay, đường sắt Cát Linh – Hà Đông có nhiều điểm khác biệt đáng kể so với tuyến đường sắt quốc gia truyền thống.

 

Tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy thử nghiệm. Ảnh: Công Hùng 

Theo kế hoạch, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sẽ đưa vào vận hành trong tháng 9 này. Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên, cũng là hiện đại nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, không chỉ giúp giải quyết nhu cầu đi lại của người dân, giảm ùn tắc giao thông mà còn góp phần làm bức tranh hạ tầng giao thông Thủ đô được nâng lên một tầm cao mới. Hiện nay, toàn tuyến đã được đóng điện và chạy thử tại Depot, khu gian ga, xưởng kiểm tu... để căn chỉnh đơn động các thiết bị trước khi chính thức vận hành.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành khoảng 96% khối lượng công việc xây lắp các hạng mục. Chỉ còn một số hạng mục chưa hoàn thành là kiến trúc nhà ga, các đơn thể trong khu bảo dưỡng (depot), hạ tầng khu depot... Theo công bố của các đơn vị thực hiện dự án, đường sắt Cát Linh – Hà Đông có thiết bị hiện đại, tiên tiến như trụ cầu đúc hạng lớn, đường ray không ballast, ray tiếp xúc kiểu nhận điện bên dưới... Đặc biệt, động cơ được sử dụng để vận hành được đánh giá là tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay. Đó chính là công nghệ động cơ phân tán, gồm 8 động cơ được đặt ở khoang giữa đường tàu.

Ngày 12/5, đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trực tiếp trải nghiệm trên đầu tàu kiểm tra chuyên dụng chạy trên tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Cảm nhận chung về dự án là một hệ thống đồng bộ, hiện đại từ khu Depot đến hệ thống nhà ga và hệ thống đường ray kéo dài trên toàn tuyến. Depot của tuyến được đặt tại phường Phú Lương, quận Hà Đông, có tổng diện tích khoảng 19,6ha, bao gồm các hạng mục chính như Trung tâm điều hành vận tải OCC, xưởng bảo trì đoàn tàu, bãi tập kết tàu, bãi thử tàu, tòa nhà hành chính, trung tâm đào tạo, nhà kho...

Tất cả đã cơ bản hoàn thiện phần hạ tầng. Trong đó, Trung tâm điều hành vận tải OCC thực hiện chức năng giám sát và điều khiển toàn bộ các hệ thống trên toàn tuyến, đảm bảo vận hành thông suốt và an toàn. Trung tâm hoạt động liên tục 24/24 giờ trong ngày.

Tàu sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tại ga La Khê. Ảnh: Phạm Hùng

Toàn tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông có 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu được thiết kế thành 4 toa với sức chở lên tới hơn 900 người. Vận tốc thiết kế của tàu là 80km/giờ, nhưng do khoảng cách giữa các ga chỉ từ 1 - 2km nên vận tốc thương mại là 35km/giờ. Với vận tốc này đủ để tàu duy trì tốc độ ổn định, tránh việc tăng tốc rồi lại phải giảm tốc để đón, trả khách. Cơ chế vận hành của tàu cũng được tự động hóa ở mức độ cao. Khi vận hành, trên khoang lái tàu sẽ tự động hiển thị các thông tin để lái tàu biết khi nào cần tăng tốc, khi nào cần giảm tốc. Đặc biệt, hệ thống sẽ trực tiếp khống chế tốc độ tàu theo cơ chế tự động chứ không cần sự can thiệp quá nhiều của lái tàu. Được biết, đây là mức độ tự động hóa đã tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế.

Toàn tuyến Cát Linh – Hà Đông có tất cả 12 nhà ga được xây dựng và thiết kế theo phong cách mỗi ga sẽ có một màu sắc riêng biệt. Hình thái nhà ga sử dụng mái cong, phù hợp với khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều của Việt Nam và phong cách kiến trúc Đông Nam Á. Mái nhà ga sử dụng vật liệu lấy sáng, khả năng chống gió cao, giảm bức xạ mặt trời... Riêng ga Cát Linh được thiết kế đặc biệt, mang phong cách hiện đại và đem lại tiện nghi sống cho cư dân quanh khu vực.

Tại các nhà ga có bố trí các thiết bị hiện đại như thang máy, thang cuốn, thang bộ, camera an ninh, thiết bị hỗ trợ người khuyết tật, hệ thống thu soát vé tự động AFC, hệ thống thông gió... Khả năng thoát hiểm tại nhà ga trong trường hợp khẩn cấp được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo an toàn tối đa cho hành khách. Đặc biệt, tại mỗi nhà ga đều lắp đặt hệ thống thang cuốn chiều lên và thang máy dành cho người khuyết tật. Trên tàu có khu vực ngồi dành riêng cho trẻ em, phụ nữ, người già và người khuyết tật. Hệ thống bảng thông tin chỉ dẫn được sử dụng song ngữ Việt – Anh.

Một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa tàu của đường sắt Cát Linh – Hà Đông so với tàu của tuyến đường sắt quốc gia đang được sử dụng hiện nay là sự hạn chế tối đa về tiếng ồn. Mặc dù trong quá trình vận hành, đoàn tàu vẫn phát ra những âm thanh nhất định, nhưng so với đường sắt truyền thống mà chúng ta đang sử dụng, rõ ràng đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã có sự đột phá lớn.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, sau khi trực tiếp trải nghiệm trên tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã nhận định, dù tàu đi cũng tạo ra tiếng ồn nhưng không lớn như đường sắt quốc gia hiện nay. Đặc biệt là có hệ thống giảm tiếng ồn, chống ồn nên tuyến đường tương đối tốt, đáp ứng đúng yêu cầu. Dù tiến độ thi công của Dự án bị kéo dài do nhiều nguyên nhân khách quan, nhưng đến thời điểm này có thể khẳng định tiến độ dự án đang được điều chỉnh đi đúng hướng và dự án sẽ hoàn thành theo đúng kế hoạch đã đặt ra.

Quý Nguyễn