Ô tô nối đuôi nhau qua khu vực trường học xã Phù Đổng.
Những tai nạn đau lòng
Đêm 19/8/2018, tại ngã tư giao cắt tuyến đường liên xã Phù Đổng - Cầu Chạc thuộc địa bàn xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng. Đây là đoạn đường các lái xe thường đi vào để tránh Trạm thu phí BOT Hà Nội - Bắc Giang. Tại hiện trường, xe máy mang BKS 29N1 - 485.18 sau khi va chạm với ô tô tải BKS 18C - 043.88 đã bị gãy đôi, bốc cháy.
Hai nạn nhân là 2 anh em sinh đôi Nguyễn Thành Thái và Nguyễn Quốc Toản (SN 2001) trú tại số 4 Hà Huy Tập, Yên Viên, Gia Lâm. Tuy được người dân đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, Toản đã tử vong. Chưa hết bàng hoàng thì sáng hôm sau (20/8), tại dốc dân sinh xóm Bốn, xã Phù Đổng tiếp tục xảy ra một vụ lật xe công nông chở vật liệu xây dựng, nạn nhân bị thương được đưa đi cấp cứu. Mới đây nhất, vào lúc 3h30 ngày 7/9, cũng tại ngã tư Phù Đổng - Cầu Chạc, một người đàn ông quê Yên Bái làm nghề mổ lợn ở xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm) trong khi điều khiển xe máy đã va chạm với một xe ô tô tải, phải đi cấp cứu...
Ô tô lật xuống mương nước đoạn Phù Đổng - Cầu Chạc.
Đây chỉ là 3 trong số rất nhiều vụ TNGT xảy ra trên đoạn đường đê dài chưa đầy 2km qua xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội đi các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Theo thống kê của Công an xã Phù Đổng, từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn xã xảy ra 14 vụ TNGT nghiêm trọng làm 4 người chết, 3 người bị thương. TNGT đã trở thành nỗi lo thường trực, vấn nạn nhức nhối đối với người dân địa phương.
Đâu là giải pháp?
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, bà Nguyễn Thị Thúy – Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng cho biết, từ khi Trạm thu phí BOT Hà Nội – Bắc Giang đi vào hoạt động (25/5/2016), để tránh mức phí từ 35.000 – 200.000 đồng/lượt xe ô tô tùy loại, nhiều lái xe đã đi vào đoạn đê này khiến mật độ giao thông tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày, lưu lượng xe qua đây lên tới 300 - 400 lượt xe mặc dù mặt đê rất hẹp, chỉ từ 2,5 – 5m.
Tình trạng tắc đường thường xuyên xảy ra, kéo dài cả cây số. Đáng nói là, đoạn đê này có tới 5 cơ quan, đơn vị đóng trụ sở, gồm: trường Tiểu học và trường THCS Phù Đổng, Trạm Y tế xã, trụ sở UBND xã, Trung tâm dưỡng lão. Vào giờ đi học và giờ tan trường, học sinh phải len lỏi giữa hàng loạt ô tô lớn nhỏ để về nhà. Đã có trường hợp học sinh bị xe tải kéo lê trên đường do va chạm giao thông nhưng may mắn thoát chết.
Ô tô đâm vào cột điện đoạn Phù Đổng - Cầu Chạc.
Cũng theo bà Thúy, việc xe ô tô trốn phí đi vào đường đê Phù Đổng hơn 2 năm nay gây mất ATGT đã được chính quyền và người dân phản ánh tại các cuộc tiếp xúc đại biểu HĐND, ĐB Quốc hội… tuy nhiên đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu. Để hạn chế tình trạng này, UBND huyện Gia Lâm đã giao Công an huyện hỗ trợ xã trong việc kiểm tra, xử lý xe vi phạm nhưng lượng ô tô đi vào vẫn ngày một nhiều hơn.
Trong lúc chờ một phương án giải quyết hữu hiệu, UBND xã Phù Đổng kiến nghị khẩn cấp với các cơ quan chức năng và chủ đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang các giải pháp tạm thời sau: Thứ nhất, đề nghị Trạm thu phí BOT Hà Nội – Bắc Giang xem xét giá phí phù hợp với các phương tiện qua trạm để các lái xe không phải đi vào đường tránh.
Thứ hai, Trạm thu phí cần làm các cổng phụ để hạn chế xe tránh phí, đồng thời đỡ thất thoát tiền phí. Thứ ba, đề nghị các cấp, ngành xem xét đặt camera tại các điểm giao thông nguy hiểm ở khu vực lái xe tránh trạm thu phí để có biện pháp xử lý người vi phạm. Đặc biệt cần quy định khung giờ để học sinh đi học được an toàn. Khung giờ mà UBND xã Phù Đổng kiến nghị không cho xe ô tô đi vào là: Sáng từ 6h30' - 7h30’, trưa từ 10h30’ - 12h15’ và từ 13h - 13h30; chiều từ 16h30’ - 17h30’.
Nam Bắc