Kinhtedothi - Tổ chức giao thông (TCGT) ở Hà Nội còn nhiều bất cập ngay từ khâu thiết kế và xây dựng một con đường.
Khi nhập vào mạng lưới đường đô thị để khai thác, chức năng của con đường không rõ ràng nên đưa vào sử dụng lại phải sửa chữa theo TCGT trong mạng lưới.
Nhiều nơi làm theo chỉ đạo của người đứng đầu nên “mỗi nơi một phách”, thậm chí còn phá đi làm lại gây lãng phí. Vì thế điều kiện cần và đủ là TCGT phải thống nhất: Khi nào nên có nghiên cứu, khi nào cần làm đèn tín hiệu, làm cầu vượt, cầu đi bộ, hầm đi bộ, các dải phân cách, số lượng pha đèn, các dạng cầu vượt khác mức… trong đô thị.
Nhất thiết cần có “đường gom”
Hiện nay, công nghệ thông tin đã phát triển đến mức thực hiện và đáp ứng mong muốn của con người và chính nó là chìa khóa vàng cho việc giải quyết các vấn đề về giao thông đô thị. Công nghệ sẽ nhanh chóng tối ưu cho ta các chu kỳ đèn tín hiệu, làn sóng xanh, khu vực xanh, tối ưu mạng xe buýt, vận tải công cộng. Kể cả quy hoạch mạng đường phố trong các đô thị. Vấn đề còn lại là việc đặt đầu bài cho những bài toán tối ưu hóa đó. Đây là công việc của chuyên gia giao thông đô thị.
|
Trục đường xuyên tâm như Nguyễn Trãi nên quy hoạch hệ thống đường gom để tránh xung đột giữa các phương tiện. Ảnh: Phạm Hùng
|
Dòng giao thông trong đô thị Việt Nam là dòng hỗn hợp (ô tô, xe máy, xe đạp..., nên mặt cắt ngang của đường phố cần thích nghi nhằm vẫn giữ được tốc độ các phương tiện không cản trở lẫn nhau, vì vậy cần có “đường gom”. Trước mắt, dùng cho đường xuyên tâm như Nguyễn Trãi, Hồ Tùng Mậu, QL32, Ngô Gia Tự... dần dần tới các trục đường có mặt ngang ≥15m như Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo... Kết hợp với xén vỉa hè, mở rộng lòng đường chỉ để vỉa hè tương thích với người đi bộ ít hiện nay. Dự báo dòng giao thông rất quan trọng trong TCGT khi có khu đô thị, Trung tâm thương mại, khu chung cư... xuất hiện, các hướng đi của dòng giao thông thay đổi phù hợp, vì TCGT chỉ mang tính lịch sử không mang tính vĩnh cửu. Hôm nay có thể đúng như ngày mai chỉ còn tiệm cận với cái đúng. Đây là môn khoa học tổng hợp của nhiều môn khoa học như Toán học, Điều khiển học, Xã hội học, Xây dựng giao thông... nên Hà Nội phải có một tổ chức riêng tập hợp các chuyên gia giỏi để nghiên cứu tham mưu cho lãnh đạo.
Xây dựng sổ tay quản lý đô thị
Theo chuyên gia quy hoạch Đào Ngọc Nghiêm, hiện nay, có tới 70 Luật, 72 Nghị định và 60 quy hoạch ngành tạo nên mâu thuẫn cho người quản lý đô thị tổ chức thực hiện mà xu thế thời đại đô thị hóa nông thôn rất nhanh, tới năm 2025 dân sống ở đô thị sẽ tới 50% với 1.000 đô thị ở Việt Nam. Khởi điểm chúng ta bắt đầu từ nông thôn mới, chính nó sẽ là những đô thị bền vững và hiện đại. Vậy 19 tiêu chí đã đảm bảo chắc chắn chưa? Cũng là vấn đề cần nhanh chóng làm rõ? Đây là khái niệm có hàm lượng chất xám cần các chuyên gia đô thị quan tâm và bổ sung chi tiết.
Chúng ta quản lý đô thị đang tản mạn, một đoạn đường có nhiều sở, ngành, quận, huyện cùng quản lý, 1 cái hồ cũng nhiều cơ quan quản lý... Chúng ta đã có tới 3 năm lấy là Năm Giao thông đô thị. Các văn bản quản lý đô thị tản mạn theo ngành, dân rất khó tìm đọc để phát huy dân chủ. Xuất phát từ nguyên nhân này, nên có 1 cuốn sổ tay quản lý đô thị phát đến tận tay các người dân và những người thi hành công vụ kiểm soát lẫn nhau gồm khoảng 10 chương đến 15 chương (giao thông, xây dựng, văn hóa, vệ sinh, môi trường,...).
Quỹ bảo trì đường bộ phải thu trong nhiều năm qua, hàng ngày vào ban đêm có hàng ngàn xe tải, conteiner, xe thương phẩm... vào TP phá vỡ hạ tầng đô thị rất nhanh chóng nhưng chưa thu được kinh phí bảo trì. Do đó, cần thu theo phố, theo ngày cho từng xe theo yêu cầu. Nếu vậy, Nhà nước có nhiều nghìn tỷ đồng mỗi năm để duy tu và sửa chữa hạ tầng đô thị
Giao thông đô thị là vấn đề lớn và khó đòi hỏi có nhiều kiến thức trong các lĩnh vực khác nhau nên không thể làm ngay được. Nhưng mọi việc đều phải có lộ trình, không ngừng suy nghĩ để có một đô thị đúng quy hoạch đáp ứng với mong muốn của người dân xứng tấm với những đô thị phát triển trong khu vực.
Nguồn: kinhtedothi.vn